Tại sao các chuyên gia giáo dục khuyến khích phụ huynh dạy con bằng lời nói?
Giai đoạn từ 0 – 8 tuổi là giai đoạn vàng hình thành nên tính cách, nhân cách của trẻ. Gần như 80% tính cách của trẻ khi trưởng thành sẽ được xây dựng trong giai đoạn này. Vì vậy, nói gì, dạy trẻ điều gì hay “tấm gương” của gia đình ra sao đều ảnh hưởng tới con trẻ.
Trên thực tế, có không ít phụ huynh sử dụng đòn roi để áp đặt con trẻ vâng lời theo ý mình. Điều này có thể có tác dụng trong một vài lần, tuy nhiên về lâu về dài, trẻ có thể làm theo ý cha mẹ nhưng với vẻ bất cần hoặc khó bảo hơn.
Bởi lý do trên, thay vì sử dụng đòn roi, cha mẹ nên bắt đầu từ những lời nói, hành động nhẹ nhàng.
Giáo dục con cái bằng lời nói: Những lưu ý cha mẹ cần nắm vững
Lựa chọn thời điểm để trao đổi với trẻ
Dạy con bằng lời nói là cả một quá trình. Đôi khi, quá trình này sẽ đòi hỏi sự tinh ý, khéo léo của cha mẹ. Không nên giảng giải, thuyết phục khi con đang cảm thấy buồn hoặc chán nản về việc gì bởi lúc này trẻ sẽ không muốn nghe hay nhận lời khuyên từ bất kỳ ai.
Cách tốt nhất, bố mẹ hãy để đến khi con bình tĩnh hoặc sẵn sàng lắng nghe. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên đưa ra một số lời khuyên, cách giải quyết trước rồi mới giảng giải cho trẻ sau cùng.
Giải thích hành động, yêu cầu của người lớn
Với con trẻ, đôi khi sẽ có những hành động áp đặt bố mẹ buộc con phải nghe theo. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều việc mà phụ huynh cần giải thích, nói cho trẻ biết tại sao. Nếu toàn bộ công việc mà trẻ làm theo lời cha mẹ không được đặt trong sự hiểu biết, giải thích, trẻ rất dễ hình thành tâm lý ỉ lại, mù quáng trong công việc sau này.
Hãy chắc chắn trẻ đang lắng nghe yêu cầu của bố mẹ
Khi nói chuyện và dạy bảo trẻ, bố mẹ nên chắc chắn ngồi ở tư thế nghiêm túc, nhìn thẳng vào trẻ. Tuyệt đối không nên nói chuyện với trẻ khi đang xoay lưng lại với trẻ, khi bạn và trẻ đang ở trong phòng khác nhau hay đang bị phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài như âm nhạc, tivi, trò chơi..
Sử dụng lời nói ngắn gọn, dễ hiểu
Trẻ con nhận biết thế giới qua những từ ngữ, vật dụng đơn giản, chỉ theo nghĩa đen. Vì vậy, việc nói chuyện dài dòng, giải thích phức tạp sẽ làm trẻ bị rối và không thể hiểu được. Thậm chí, cuộc nói chuyện đó sẽ trở nên vô nghĩa, lãng phí thời gian của cả bố mẹ và trẻ.
Giải thích việc làm, hành động cho trẻ là một điều nên làm. Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý rằng mình không nên nói quá dài dòng bởi lúc trẻ sẽ không ghi nhớ hết được. Hãy nói vào trọng tâm của vấn đề, sử dụng những từ ngữ ngắn, nghĩa đen và trong phạm vi hiểu biết của trẻ.
Lời nói và hành động phải nhất quán
Để sự kỷ luật có hiệu quả, lời nói và hành động sau đó luôn phải nhất quán với nhau. Bố mẹ nên đưa ra nguyên tắc ứng xử trong các trường hợp và đảm bảo những nguyên tắc đó không bị phá vỡ bởi bất kỳ lý do nào.
Ví dụ, nếu bạn không cho phép con chơi đồ chơi trong bữa ăn, hãy nghiêm túc nó với trẻ rằng “Không”. Tuyệt đối không vì trẻ không ăn, có khách đến nhà hay trẻ mè nheo mà bố mẹ mềm lòng. Khi con nhận ra sự thiếu nhất quán thì đó là lúc lời nói của bạn mất đi giá trị đối với chúng.
Cách nói cũng rất quan trọng trong giáo dục con
Có thể ý bố mẹ nói ra nhưng với các con sẽ hiểu theo cách khác. Vì vậy cách nói, từ ngữ nói với con làm sao để con hiểu theo ý của bố mẹ cũng khá là quan trọng.