TRƯỜNG MẦM NON TIÊN DƯỢC B CHÚ TRỌNG DẠY TRẺ TỰ LẬP
Để trẻ phát triển toàn diện, trở thành một đứa trẻ tự lập và ngày càng làm được nhiều việc hơn mà không cần tới sự giúp đỡ của người lớn là một phần quan trọng trong quá trình phát triển tự nhiên của trẻ. Dạy trẻ tự lập từ nhỏ không phải là công việc đơn giản mà bất kỳ giáo viên và bậc phụ huynh nào cũng có thể làm tốt được. Để trẻ tự lập mà không phải dùng tới bất cứ điều kiện gì, trong công tác giáo dục, trường Mầm non Tiên Dược B chú trọng dạy trẻ tự lập bằng cách:
1. Cho trẻ cơ hội tự quyết định
Để trẻ có tính tự lập giáo viên nhà trường luôn tạo điều kiện để trẻ được quyền tự lựa chọn cho bản thân trong hầu hết mọi hoạt động. Với những thứ đơn giản như quần áo của trẻ, đồ dùng, đồ chơi…giáo viên luôn để cho trẻ tự lựa chọn, giáo viên không cứng nhắc, bắt buộc trẻ phải nghe theo quyết định của mình. Điều mà giáo viên làm chỉ là đưa ra lời khuyên để trẻ có thể có những lựa chọn tốt hơn.
2. Dạy trẻ tự làm việc cá nhân
Để trẻ có tính tự lập giáo viên nhà trường luôn dạy trẻ và khuyến khích trẻ trẻ tự hoàn thành các công việc cá nhân trong mọi hoạt động ở trường như: Tự rửa mặt, rửa tay, đi dép, lấy cất đồ dùng, đồ chơi…Trong khi trẻ làm, giáo viên hướng dẫn trẻ, theo dõi và rèn cho trẻ các kỹ năng khi trẻ thực hiện để trẻ thực hiện tốt.
Ngoài ra, các cô giáo thường để trẻ chơi cùng các đồ dùng, đồ chơi mô phỏng dụng cụ ăn để trẻ thực hành, từ đó trẻ có kỹ năng thực hiện để hình thành ở trẻ tính độc lập, tự giác, đồng thời kích thích tính tò mò, sáng tạo của trẻ. Trên lớp, tùy theo lứa tuổi của trẻ các cô giáo thường để trẻ tự sắp xếp tủ đồ chơi, trang trí góc chơi, bày bàn, bày và dọn dẹp phòng ngủ... Đây là cách giúp trẻ tự lập và biết cách chăm sóc bài trí những nơi bé thích theo ý trẻ.
3. Dạy trẻ tự kiểm soát cảm xúc
Một phương pháp dạy trẻ tự lập khác mà các cô giáo thường áp dụng đó chính là dạy con tự kiểm soát cảm xúc. Trẻ có thể vui chơi thoải mái, tuy nhiên phải biết điều tiết cảm xúc của mình, không nên nổi nóng, đánh nhau với bạn bè, không nên gào thét nơi đông người...
Việc không dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ trong tương lai, đặc biệt là về mặt tinh thần và tính cách. Trẻ sẽ dễ trở nên nóng tính, cáu giận và không quan tâm đến cảm xúc người khác.
4. Cho phép trẻ được sai
Một số biện pháp giáo dục tính tự lập cho trẻ là cho phép con được làm sai. Nhiều việc trẻ làm không thể tránh khỏi việc mắc sai lầm, quan trọng là sau sai lầm đó, trẻ tự rút ra được bài học gì. Vậy nên ở trường các cô giáo luôn để trẻ được phép sai, khi trẻ sai cấc cô luôn động viên trẻ và chỉ dẫn để trẻ khắc phục những lỗi sai đó một cách hoàn hảo nhất. Sau nhiều lần như vậy, trẻ sẽ rút được kinh nghiệm và tự lập, chủ động xử lý trong mọi tình huống.
5. Khuyến khích để trẻ tự tin
Khuyến khích là chìa khóa trong việc dạy trẻ tự lập. Bất cứ khi nào trẻ thử một kỹ năng mới, dù trẻ có thành công hay không, các cô giáo thường nói với trẻ rằng: Cô tự hào vì con đã nỗ lực và khuyến khích trẻ thử lại.
Trong mọi hoạt động của trẻ các cô giáo đều không yêu cầu trẻ thực hiện quá nhanh, không ngay lập tức giúp đỡ khi trẻ gặp khó khăn, các cô luôn để trẻ phải có đủ thời gian để tự mình làm chủ những việc này, theo tốc độ của riêng mình. Chính vì vậy mà trẻ luôn cảm thấy không bị áp lực và luôn sẵn sàng hành động.
Ngoài ra các cô giáo cũng luôn theo dõi trẻ, khi trẻ bắt đầu mỗi thử nghiệm tự làm việc gì đó, các cô luôn đặt ra giới hạn và giải thích, nói cho trẻ biết lý do tại sao trẻ cần phải làm, không nên làm hay tại sao kết quả lại như vậy. Chính vì vậy mà trẻ luôn tự tin để thực hiện mọi hoạt động.