1. Nhìn nhận về thực trạng về vấn đề xâm hại trẻ
Điều nhiều người không ngờ đến là thực trạng xâm hại trẻ đã và đang trở thành vấn đề của xã hội. Vậy đâu là nguyên nhân khiến tình trạng này gia tăng dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc?
1.1. Thực trạng
Một điều đáng buồn không thể không kể đến hiện nay là tình trạng trẻ em trở thành một trong những đối tượng bị xâm hại tình dục. Điều lo ngại hơn nữa là tình trạng này có chiều hướng gia tăng.
Trong khi đó một số trẻ chưa được ba mẹ, thầy cô giúp đỡ để bảo vệ chính mình nên khi xảy ra vấn đề đã khiến tâm lý của trẻ bất ổn. Không những vậy, trẻ còn gặp ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hiện tại và cả tương lai sau này.
Thực tế vấn đề xâm hại trẻ ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc có diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn. Mọi trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục dù trẻ ở lứa tuổi nào hay đang sống trong gia đình nghèo hay khá giả.
1.2. Nguyên nhân tình trạng xâm hại trẻ có xu hướng gia tăng
Taị sao thực trạng xâm hại trẻ có xu hướng gia tăng trong xã hội? Trên thực tế, thực trạng xâm hại trẻ mầm non có xu hướng gia tăng vì nhiều nguyên nhân có thể kể đến như:
- Về phía gia đình còn thiếu quan tâm và thờ ơ đến vấn đề trang bị các kiến thức phòng chống xâm hại cho con em mình.
- Các cấp, ngành chưa thực sự quan tâm và coi trọng đúng mức
- Việc thanh tra kiểm tra xử lý của ngành chức năng chưa thực sự sát sao và chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
- Các yếu tố tiêu cực từ trong cuộc sống, xã hội, phim ảnh, internet,…
1.3. Hậu quả
Tình trạng bị xâm hại ở trẻ có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, trẻ bị xâm hại thường sẽ cảm thấy sợ hãi, xấu xa và thất bại… nguy hại hơn trẻ có thể trở thành tự kỷ. Đặc biệt, nếu trẻ không được điều trị kịp thời thì sau khi xâm hại, trẻ rất dễ bị ám ảnh trong một thời gian dài và có thể trở thành người xâm hại người khác.
Có một vấn đề đáng ngại đó là không phải lúc nào trẻ bị xâm hại cũng thể hiện ra bên ngoài, những tổn thương tâm lý mà đôi khi sang chấn tâm ký sau nhiều năm sau đó. Nếu trẻ không được hỗ trợ và giúp đỡ kịp thời thì rất dễ bị trầm cảm, tự kỷ, hoặc có thể trở thành người xấu khi chúng lớn lên
2. Dạy trẻ quy tắc 5 ngón tay phòng chống xâm hại
Dạy trẻ tự bảo vệ và chống xâm hại dường như là vấn đề nhạy cảm và khó với nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên đây là điều chúng ta cần thẳng thắn đối mặt và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho trẻ. Việc ba mẹ, thầy cô dạy trẻ quy tắc 5 ngón tay để chống xâm hại là cách tiếp cận tốt nhất và hiệu quả nhất hiện nay.
2.1. Ngón cái
Người lớn cần giúp trẻ nhớ rằng ngón tay cái là ngón gần nhất sẽ tượng trưng cho những người thân thiết trong gia đình, bao gồm ông, bà, bố mẹ, anh chị em ruột. Đây là những người có thể tắm, ngủ chung, làm vệ sinh cho trẻ cho đến khi trẻ có thể tự mình làm mà không cần đến sự trợ giúp của gia đình.
2.2. Ngón trỏ
Ngón này thường tượng trưng cho những đối tượng đó là thầy cô, bạn bè mà trẻ gặp hàng ngày trên trường, người thân họ hàng. Đây là những người chỉ có thể nắm tay, khoác vai và chơi đùa cùng trẻ.
Với những người thuộc nhóm này chỉ dừng lại ở những hành động trên đây. Trẻ cần nhớ họ không được có hành động nào liên quan như hôn, chạm và vùng nhạy cảm. Nếu gặp phải tình trạng này, trẻ phải hét thật to và gọi cho bố mẹ.
2.3. Ngón giữa
Đây là ngón gồm hàng xóm, bạn bè của bố mẹ là nhóm người quen biết nhưng ít gặp. Những người này chỉ có thể dừng lại ở cử chỉ như bắt tay, cười, chào hỏi. Mọi cử chỉ gần gũi khác cần bị phản đối, lên án.
2.4. Ngón áp út
Đây là nhóm người quen gia đình nhưng là những người lần đầu gặp và chỉ dừng lại ở mức độ chào hỏi và vẫy tay. Trẻ tuyệt đối không được phép có cử chỉ thân mật hơn với những người này.
2.5. Ngón út
Đây là ngón xa nhất có nghĩa là nhóm người xa lạ mà trẻ không hề biết trước đó. Nếu họ có những hành động như chạm, hôn, khiến trẻ lo sợ thì cần phải bỏ chạy và hét thật to để mọi người xung quanh biết được.
3. Làm thế nào để giúp bé ghi nhớ quy tắc 5 ngón tay hiệu quả
Trước tiên cha mẹ, thầy cô cần dạy trẻ nhận biết về các mỗi quan hệ xung quanh trong cuộc sống. Khi trẻ đã có nhận thức về những mối quan hệ này, chúng ta có thể giới thiệu cho trẻ quy tắc 5 ngón tay và vòng tròn giao tiếp.
Để trẻ có thể ghi nhớ quy tắc 5 ngón tay này, ba mẹ có thể chơi cùng con một số những trò chơi. Các trò chơi như hỏi đáp khi trò chuyện về vòng tròn giao tiếp, trò chơi thế vai và giải quyết những vấn đề trong các tình huống cụ thể giúp con ghi nhớ nhanh hơn.
Ba mẹ lưu ý rằng hãy giải thích rõ cho trẻ về những nguyên tắc ứng xử với từng nhóm người của từng ngón tay. Ngoài ra cần lưu ý cho trẻ những trường hợp đặc biệt như khi cứu người, khi ở trong nơi công cộng, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật trong một môi trường tập thể để trẻ có thể phân biệt.